VIETNAMESE MECHANICS QUIETLY SEEK REFUGE IN LIVING LAND

CƠ KHÍ VIỆT LẶNG LẼ THA HƯƠNG TÌM ĐẤT SỐNG

Đầu tháng tới, một triển lãm thương mại lớn sẽ diễn ra tại TP HCM. Đến thời điểm này, có 800 gian hàng đã được đăng ký. Không ít các doanh nghiệp tham gia đến từ nhóm ngành điện-điện tử, đồ chơi công nghệ, phụ tùng-máy công nghiệp… Song song với sự kiện còn có triển lãm khác đồng diễn ra về ngũ kim, dụng cụ cầm tay. Tuy nhiên, gương mặt chính của những sân chơi này là doanh nghiệp nước ngoài.

“Trung Quốc lúc nào cũng tham gia đông đảo. Mấy năm gần đây, có thêm doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản đăng ký triển lãm khá rầm rộ”, ông Nguyễn Khắc Luận – Chủ tịch Vinexad, đơn vị chuyên tổ chức các triển lãm cho biết.

Đơn cử như Vietnam Expo sắp đến, ông Luận cho biết có đến 140 doanh nghiệp của Hàn Quốc tham gia, dẫn đầu bởi các tổ chức xúc tiền thương mại Hàn Quốc. Trong khi đó, theo Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP HCM (HAMEE), hầu hết doanh nghiệp chỉ dự với tư cách khách tham quan để “dòm ngó” thị trường. Do khả năng marketing yếu, các doanh nghiệp chỉ muốn có sự kiện thuần về cơ khí mới dám tham gia.

Không chỉ lặng lẽ về quảng cáo, theo ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HAMEE, doanh nghiệp cơ khí nội địa thực sự đang gặp khó khăn khi làm ăn tại sân nhà. Sản xuất một thiết bị hoàn chỉnh hay gia công linh phụ kiện đều khó như nhau.

Ví dụ, để sản xuất các máy được phẩm thì phải nhập các tấm inox với thuế 10%, linh kiện điều khiển tự động với thuế 15%. Trong khi đó, nếu nhập nguyên chiếc máy về nước sẽ có thuế 0%. Doanh nghiệp cơ khí gọi đây là “chính sách ngược” nên không ai dám đầu tư.

Trong khi đó, nếu đi gia công linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn thì phải đối mặt với một lực lượng FDI cùng ngành nghề.

“Cạnh tranh này không công bằng với doanh nghiệp Việt Nam. Thứ nhất là về chính sách thu hút đầu tư mới. Thứ hai, lợi thế lớn nhất, là cùng quốc tịch với các doanh nghiệp lớn đầu tư vào đây. Đó là những doanh nghiệp nắm ưu thế tuyệt đối về cung cấp hàng cho các ông lớn mà doanh nghiệp Việt chen chân vào cực kỳ khó khăn”, ông Tống nói.

“Câu chuyện thạm gia chuỗi cung ứng tại nội địa của ngành cơ khí như chuyện ‘con gà – quả trứng’ và cuối cùng là không có gì hết”, một vị lãnh đạo doanh nghiệp bình luận. Nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư vì sợ đổ vốn xong mà không vô được chuỗi. Trong khi đó, các nhà sản xuất lớn muốn nhìn thấy khả năng cung ứng của đối tác mới xét chuyện đặt hàng. Số ít doanh nghiệp dám bỏ tiền đầu tư trước thì được anh em trong ngành gọi là “đầu tư mạo hiểm”.

Khó cạnh tranh ngay trên sân nhà, ông Tống cho biết nhiều doanh nghiệp cơ khí nội địa chuyển hướng gia công cho các đơn hàng từ nước ngoài. Theo ông, nhu cầu của quốc tế đang ngày một tăng cao.

“Chính việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất hàng hóa đi nước ngoài tạo hiệu quả kinh doanh tốt hơn là xuất hàng cho doanh nghiệp FDI trong nước. Bởi khi ra nước ngoài, tính cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề giảm đi rất nhiều”, vị chủ tịch HAMEE nhận đình.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam đạt gần 28 tỷ USD, so với con số chưa đầy 23 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Tất nhiên, đóng góp này là của cả doanh nghiệp cơ khí chính xác FDI đang hoạt động. Song, bức tranh chung cho thấy nhóm cơ khí nội địa cũng có cơ hội tích cực.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp trong ngành, đặc thù ngành cơ khí là nhận đơn hàng gia công từng chi tiết nhỏ, nhà đặt hàng nước ngoài thường không tiết lộ chi tiết ấy có công năng gì.

Tuy nhiên, một số đơn vị mày mò tìm hiểu cho rằng, có những chi tiết được dùng trong ngành máy bay và tàu điện. Điều này chứng tỏ trình độ gia công của cơ khí Việt là không thấp. Song, vì đây là những thông tin mang tính mật trong quy trình làm ăn và có phần suy đoán nên đa số công chúng không được biết trình độ thật sự của ngành cơ khí Việt Nam.

“Tôi nhớ cách đây tầm 5 năm, có một doanh nghiệp trong nước nhận được đơn hàng gia công có giá trị rất cao. Họ hồ hởi đổ vốn xây nhà máy mới. Một sáng nọ thì nhà máy họ bị phong tỏa, do dính đến điều tra quốc tế về một đường dây sản xuất vũ khí trái phép. Cuối cùng, doanh nghiệp này không bị truy cứu vì được chứng minh vô tội, chỉ nhận gia công chi tiết kim loại mà không biết nó là gì. Tuy nhiên, họ cũng phải phá sản vì số vốn đổ vào nhà máy mới”, ông Tống kể về rủi ro của chuyện gia công cho khách ngoại.

“Tha hương” vì khó sống trên đất nhà nhưng theo ông Tống, hơn 200 doanh nghiệp cơ khí tại TP HCM cũng vẫn “ôm mộng” tỏa sáng trên quê hương. Hội HAMEE của ông định sẽ phối hợp với Vinexad để lập riêng một triển lãm dành cho cơ khí Việt vào năm sau. Hiện tại, tổ chức này còn thành lập một câu lạc bộ chế tạo robot đối kháng để các thành viên thi thố tài năng nội bộ.

“Những con robot này được  các thành viên chế ra để cho chúng đánh nhau, nhằm so tài trình độ và độ bền. Có khi đánh xong thì con thua tan tành là bình thường. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp mình dần thể hiện tài năng cho nhiều người biết. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em sinh viên ngành chế tạo tham gia để các em học hỏi”, vị chủ tịch đầy trăn trở của HAMEE chia sẻ.